Bệnh viêm da cơ địa có lây không? Có di truyền không?
Mặc dù có đặc tính dai dẳng, cố thủ nhưng viêm da cơ địa hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm - ngay cả khi tiếp xúc và sinh hoạt thân mật. Tuy nhiên, bệnh lý này có tính chất gia đình và có nguy cơ di truyền cho con cái nếu cha và mẹ chứa gen gây bệnh.
Viêm da cơ địa có lây không? Có di truyền không?
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?
Viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ nhỏ và người lớn. Bệnh lý này thường khởi phát trong những năm đầu đời (trẻ 2 tháng – 2 tuổi) và thuyên giảm dần khi trưởng thành. Tuy nhiên ở một số người, bệnh có thể tiến triển dai dẳng, mãn tính và tái đi tái lại trong suốt cả cuộc đời.
Viêm da cơ địa thực chất là tình trạng viêm lớp nông của da với các biểu hiện điển hình như da đỏ, phù nề, rỉ dịch, trợt loét (cấp tính) và da thâm nhiễm, dày sừng, nứt nẻ, bong tróc (mãn tính). Ở tất cả các giai đoạn của bệnh, tổn thương da luôn đi kèm với hiện tượng ngứa ngáy dai dẳng, mức độ từ âm ỉ đến dữ dội.
Mặc dù là bệnh da liễu lành tính nhưng viêm da cơ địa có cơ chế bệnh sinh phức tạp, căn nguyên chưa rõ ràng và gần như không thể điều trị hoàn toàn. Chính vì vậy, khá nhiều bệnh nhân lo lắng về việc bệnh có lây nhiễm cho người khỏe mạnh hay không.
Bệnh viêm da cơ địa hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm
Theo các chuyên gia Da liễu, viêm da cơ địa hoàn toàn không lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh – ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp. Do đó, bệnh nhân có thể thoải mái ăn uống và sinh hoạt thân mật cùng với bạn bè và người thân trong gia đình.
Mặc dù không có khả năng lây nhiễm nhưng tổn thương da do viêm da cơ địa có xu hướng lan tỏa rộng và thậm chí là bùng phát toàn thân (gây ra chứng đỏ da toàn thân) nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách. Chính vì vậy, bệnh nhân nên tích cực điều trị để kiểm soát cơn ngứa, làm giảm tổn thương da và hạn chế tình trạng viêm lan tỏa rộng.
Viêm da cơ địa có di truyền không?
Ngoài thắc mắc về việc lây nhiễm, viêm da cơ địa có di truyền không cũng là mối bận tâm hàng đầu của nhiều bệnh nhân – đặc biệt là những người đang có ý định sinh con. Trên thực tế, mặc dù đã được nghiên cứu trong nhiều năm nhưng nguyên nhân chính xác gây ra viêm da cơ địa vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nghiên cứu di truyền, dịch tễ và mô bệnh học cho thấy, viêm da cơ địa và các bệnh lý có cơ chế dị ứng đều liên quan đến yếu tố di truyền.
Thống kê cho thấy, có đến 70% bệnh nhân viêm da cơ địa có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý dị ứng như sốt mùa cỏ khô, viêm mũi dị ứng, hen suyễn và eczema (chàm). Các bệnh lý này đều có liên quan đến thể địa dị ứng dưới sự kích hoạt của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Khi tiếp xúc với dị nguyên (yếu tố dị ứng), hệ miễn dịch có xu hướng tăng sinh kháng thể IgE trong máu và kết quả là dẫn đến biểu hiện ở da và cơ quan hô hấp. Do đó, mặc dù có triệu chứng khác nhau nhưng các bệnh lý này đều liên quan đến phản ứng dị ứng.
Viêm da cơ địa là bệnh có tính chất gia đình và có khả năng di truyền cao
Khi nghiên cứu cụ thể, các chuyên gia nhận thấy viêm da cơ địa có tính chất gia đình rõ rệt. Con cái có nguy cơ mắc bệnh lý này đến 79% nếu cả cha và mẹ đều mang gen gây bệnh. Nguyên nhân là do yếu tố gây bệnh nằm trên các nhiễm sắc thể. Vì vậy, con cái có khả năng thừa hưởng gen gây bệnh và dễ có nguy cơ bị viêm da cơ địa.
Do đó có thể khẳng định, viêm da cơ địa là bệnh lý có khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Ngoài ra, bệnh còn có thể đi kèm với một số vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ chế dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, sốt cỏ khô và các thể lâm sàng khác của bệnh chàm.
Phòng ngừa viêm da cơ địa bằng cách nào?
Viêm da cơ địa chỉ bùng phát khi có các yếu tố kích thích (yếu tố nội sinh và ngoại sinh). Do đó, mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bệnh nhân có thể giảm nguy cơ bệnh tái phát bằng một số biện pháp đơn giản sau:
Dưỡng ẩm là biện pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát
Tránh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng dị ứng như hóa chất, xà phòng, chất len dạ, thức ăn gây dị ứng,… Bên cạnh đó, nên kiểm soát các yếu tố nội sinh có thể kích hoạt bệnh tái phát như căng thẳng, xúc động quá mức, bệnh lý tuyến giáp và rối loạn kinh nguyệt.
Một số nghiên cứu cho thấy, độc tố từ tụ cầu vàng – Straphylococcus aureus (vi khuẩn thường trú trên da) có thể kích thích viêm da cơ địa tái phát. Do đó, nên vệ sinh da đúng cách và hạn chế chà xát để ngăn ngừa bội nhiễm. Tình trạng này có thể khiến bệnh tái phát và tiến triển nghiêm trọng hơn.
Hệ miễn dịch suy yếu là điều kiện để dị nguyên xâm nhập và gây ra phản ứng dị ứng. Vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên nghỉ ngơi điều độ và ăn uống khoa học để nâng cao chức năng đề kháng. Thực tế cũng cho thấy, hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh và giảm nguy cơ bệnh tái phát rõ rệt.
Hầu hết bệnh nhân viêm da cơ địa đều có khiếm khuyết trong cấu trúc da (thiếu hụt loricrin và filaggrin) dẫn đến hiện tượng da dễ mất nước, khô ráp và nhạy cảm hơn với dị nguyên. Để phòng ngừa tổn thương da tái phát, nên hạn chế tiếp xúc với các chất gây khô da và sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên.
Thời tiết khô, hanh là thời điểm thuận lợi để bệnh bùng phát mạnh. Lúc này, bệnh nhân nên hạn chế di chuyển ngoài trời, mặc quần áo dài tay và mang khẩu trang để tránh tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hoa,… Ngoài ra, nên dùng kem dưỡng và sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm cho da, tránh tình trạng da nứt nẻ, khô căng và chảy máu.
Kiêng cử một số thói quen có thể khiến bệnh tái phát như tắm quá lâu, tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, thức khuya, căng thẳng,…
Thiết lập lối sống khoa học, giữ tâm lý lạc quan và tích cực điều trị để kiểm soát và phòng ngừa bệnh tái phát.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc Bệnh viêm da cơ địa có lây không? Di truyền không? và đề cập đến một số cách phòng ngừa bệnh tái phát. Hy vọng qua những thông tin trên, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về tính chất của bệnh lý này và dễ dàng kiểm soát triệu chứng, tiến triển của bệnh.
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.