Mề đay cấp tính là gì? Có nguy hiểm không
Mề đay cấp tính là tình trạng mề đay mẩn ngứa bùng phát và tiến triển dưới 6 tuần. Trong đó có khoảng 80% trường hợp tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Mề đay cấp tính là tình trạng mề đay mẩn ngứa tiến triển dưới 6 tuần
Mề đay cấp tính là gì?
Mề đay là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng da nổi các ban đỏ, sẩn cục kèm theo ngứa ngáy và nóng rát nhẹ do cơ thể tiếp xúc với các yếu tố kích thích. Dựa trên thời gian tiến triển, mề đay được chia thành 2 loại là mề đay cấp tính và mề đay mãn tính. Mề đay cấp tính là tình trạng mề đay mẩn ngứa bùng phát và kéo dài dưới 6 tuần. Trường hợp bệnh tiến triển dai dẳng qua 6 tuần được gọi là mề đay mãn tính.
Khác với mề đay mãn tính, mề đay cấp thường khởi phát triệu chứng đột ngột, rầm rộ và gây ngứa nhiều. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp mề đay cấp đều có thể tự thuyên giảm sau 24 – 48 giờ. Một số ít kéo dài trong khoảng vài tuần rồi tự thuyên giảm khi hệ miễn dịch ổn định trở lại.
Mặc dù không phổ biến (khoảng 5%) nhưng đã có trường hợp mề đay cấp tiến triển sang giai đoạn mãn tính. Như đã biết, mề đay chủ yếu gây tổn thương da kèm theo ngứa ngáy. Do đó nếu không chủ động điều trị, bệnh có thể gây ngứa dai dẳng, dữ dội, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây mề đay cấp tính
Mề đay thực chất là phản ứng viêm của mao mạch ở lớp trung bì khi có hiện tượng dị ứng. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, hệ miễn dịch có xu hướng đối kháng bằng cách hoạt hóa tế bào mast và phóng thích histamine vào da, niêm mạc. Histamin khiến mao mạch bị giãn, đồng thời làm tăng tính thấm, từ đó khiến máu thấm vào cấu trúc da và kết quả là hình thành các sẩn cục cứng chắc, da viêm đỏ, ngứa ngáy và nóng rát.
Thống kê cho thấy, mề đay cấp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường là tác động ngoại sinh và một số yếu tố nội sinh mang tính chất tạm thời (stress, xúc động quá mức,…). Trong khi đó, mề đay mãn tính thường có mối liên hệ mật thiết với các bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể như nhiễm giun sán, chức năng gan thận suy giảm và các hội chứng hiếm gặp khác.
Dị ứng thức ăn là một trong những nguyên nhân gây nổi mề đay cấp tính
Một số nguyên nhân và yếu tố có thể gây nổi mề đay cấp tính:
Nhiễm trùng cấp tính có thể kích thích phản ứng dị ứng của hệ miễn dịch và gây nổi mề đay mẩn ngứa (chủ yếu là các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp)
Tiếp xúc với mủ thực vật, nọc độc côn trùng
Hít phải khói thuốc lá, nấm mốc, chất dị ứng (phấn hoa, mạt bụi,…)
Nhiệt độ, độ ẩm trong không khí thay đổi đột ngột (thường là từ nóng ẩm sang lạnh khô)
Dị ứng thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất gây mề đay cấp và thường đi kèm với phù mạch. Loại thuốc có nguy cơ dị ứng cao thường là kháng sinh nhóm beta lactam và thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Cơ thể tăng thân nhiệt đột ngột và bài tiết nhiều mồ hôi (gây mề đay Cholinergic)
Rối loạn nội tiết tố
Suy nhược
Stress, căng thẳng quá mức
Dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da
Dị ứng thời tiết
Có rất nhiều tác nhân gây bùng phát mề đay mẩn ngứa, bao gồm cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Bài viết chỉ đề cập đến những tác nhân thường gặp nhất. Do đó trên thực tế, bệnh nhân cũng có thể bị nổi mề đay do những tác nhân khác.
Mề đay cấp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Thống kê cho thấy, tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới và mỗi người đều có nguy cơ nổi mề đay ít nhất 1 lần trong đời. Tuy nhiên, nguy cơ bị mề đay nói chung và mề đay cấp nói riêng có thể tăng lên khi có những điều kiện thuận lợi sau:
Cơ địa quá mẫn
Mắc các bệnh có cơ chế dị ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, sốt cỏ khô,…
Bệnh nhân tiểu đường hoặc mắc các hội chứng gây suy giảm miễn dịch
Nhận biết mề đay cấp tính
Như đã đề cập, mề đay cấp tính thường bùng phát đột ngột, tiến triển nhanh và rầm rộ. Các triệu chứng của bệnh rất dễ nhận biết và có xu hướng thuyên giảm nhanh. Mặc dù thuyên giảm nhanh hơn mề đay mãn tính nhưng mề đay cấp dễ phát triển thành phản ứng dị ứng nặng, dẫn đến sốc phản vệ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Mề đay cấp thường bùng phát đột ngột, sẩn ngứa nổi ồ ạt và dễ nhận biết
Các triệu chứng đặc trưng của mề đay cấp tính:
Sau khi tiếp xúc với yếu tố dị ứng khoảng vài phút, da bắt đầu xuất hiện các mảng màu hồng đỏ
Sau đó, các sẩn và mảng bắt đầu hiện rõ, nổi cộm trên bề mặt da và có ranh giới rõ so với vùng da xung quanh
Tổn thương da có màu hồng, đỏ hoặc màu trắng nhạt, sờ vào cứng chắc, bờ tròn và gần như không có mụn nước, mụn mủ như viêm da cơ địa
Sẩn cục thường xuất hiện ở một vài vị trí, sau đó lan rộng ra phạm vi rộng hoặc thậm chí lan ra toàn thân
Mề đay cấp thường gây ngứa dữ dội, có thể đi kèm với hiện tượng châm chích và nóng rát nhẹ nhưng chỉ thoáng qua trong vài phút đến vài tiếng
Hình thái và mức độ ảnh hưởng của mề đay cấp phụ thuộc nhiều vào cơ địa và yếu tố kích thích. Do đó ngoài những triệu chứng điển hình trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số biểu hiện khác như:
Đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, nôn nao và buồn nôn
Cơ thể mệt mỏi, sốt, sổ mũi, ngứa mũi, hắt hơi,… (thường do dị ứng thời tiết hoặc do viêm nhiễm đường hô hấp trên)
Trong một số ít trường hợp, mề đay cấp có thể là biểu hiện của sốc phản vệ - một dạng dị ứng nghiêm trọng có thể gây suy hô hấp và tử vong. Do đó, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng sau:
Trong một số trường hợp, mề đay cấp tính còn đi kèm với các triệu chứng phù Quincke
Xuất hiện dấu hiệu phù Quincke
Khó thở, nghẹn cổ họng
Thở khò khè, phổi có tiếng rít
Hạ huyết áp, choáng váng, đau đầu
Buồn nôn, nôn mửa
Bệnh mề đay cấp có nguy hiểm không?
Mề đay là bệnh da liễu phổ biến nhất, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, người trưởng thành và cả người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh lý này tương đối lành tính, chủ yếu gây tổn thương ngoài da kèm theo ngứa ngáy và nóng rát nhẹ. Có hơn 80% trường hợp nổi mề đay có thể tự thuyên giảm sau 24 giờ mà không cần điều trị. Đối với mề đay cấp, bệnh có thể thuyên giảm sau khoảng vài giờ đến vài tuần (tối đa 6 tuần).
Mặc dù có thời gian tiến triển ngắn hơn so với mề đay mãn tính nhưng mề đay cấp bùng phát mạnh và có nguy cơ phát triển thành phản ứng phản vệ, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong một số trường hợp, mề đay cấp có thể là biểu hiện của sốc phản vệ
Ngoài ra nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, mề đay cấp tính cũng có thể gây một số biến chứng như viêm nhiễm da do gãi cào thường xuyên, mề đay tiến triển sang giai đoạn mãn tính,… Hơn nữa, tình trạng ngứa ngáy do mề đay còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sinh hoạt, hiệu suất lao động và làm việc.
Mặc dù có thể thuyên giảm sau 6 tuần nhưng để kiểm soát ảnh hưởng và phòng ngừa biến chứng của bệnh, bệnh nhân nên chủ động thực hiện các biện pháp điều trị mề đay cấp tính. Thống kê cho thấy, đa phần các trường hợp mề đay cấp đều có đáp ứng tốt với điều trị hơn so với mề đay mãn tính.
Các phương pháp điều trị mề đay cấp tính
Đa phần các trường hợp nổi mề đay cấp đều tự biến mất mà không để lại dấu vết sau 24 – 48 giờ. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng ngứa ngáy có thể gây ra cảm giác bứt rứt và khó chịu. Để kiểm soát nhanh các triệu chứng của bệnh mề đay, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp điều trị sau:
1. Chữa mề đay cấp bằng mẹo tại nhà
Mề đay cấp thường có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Vì vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải sử dụng thuốc nếu tình trạng ngứa ngáy, nổi sẩn cục và ban đỏ có mức độ nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp này, có thể áp dụng một trị mề đay cấp đơn giản tại nhà như:
Tắm nước mát có thể giảm nhẹ tình trạng nóng rát và ngứa ngáy do mề đay cấp gây ra
Tắm nước mát/ ấm: Tắm nước mát có thể giảm nhẹ tình trạng nóng rát và ngứa ngáy đối với mề đay do nhiệt, do côn trùng cắn hoặc dị ứng với các loại thực phẩm, hóa chất, sản phẩm chăm sóc da,… Trong khi đó, tắm nước ấm được áp dụng cho trường hợp nổi mề đay do lạnh. Nhiệt độ ấm giúp làm dịu da, giảm ngứa và điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, nên áp dụng mẹo này ngay sau khi mề đay bùng phát.
Nấu nước tắm từ thảo dược: Để giảm ngứa ngáy và hỗ trợ giảm các sẩn cục trên da, bệnh nhân có thể dùng một số loại thảo dược tự nhiên như lá chè xanh, trầu không, lá khế, ngải cứu,… nấu nước tắm. Tắm nước lá giúp làm dịu da đáng kể, đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu do mề đay mẩn ngứa gây ra.
Dành thời gian nghỉ ngơi: Đa phần mề đay cấp tính đều có thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên để rút ngắn thời gian bệnh tiến triển, nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp hạn chế nguy cơ mề đay lan tỏa rộng, tiến triển nặng và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Trong thời gian bị mề đay, nên hạn chế dùng các loại thực phẩm gây dị ứng, thức ăn khó tiêu và đồ uống chứa cồn. Thay vào đó, nên bổ sung nhiều nước, rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu Omega 3,… để giảm nhẹ tình trạng viêm da và ổn định hoạt động của hệ miễn dịch.
Ở những trường hợp nhẹ và trung bình, mề đay có xu hướng thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng các mẹo chữa tại nhà. Đối với mề đay cấp có mức độ nghiêm trọng hơn, các mẹo đơn giản này thường không thể kiểm soát triệu chứng hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà có thể hạn chế được nguy cơ bệnh lan tỏa trên diện rộng và tăng mức độ đáp ứng đối với các phương pháp y tế.
2. Sử dụng thuốc uống, thuốc bôi trị mề đay cấp
Bên cạnh các mẹo chữa tại nhà, bệnh nhân cũng có thể sử dụng một số loại thuốc uống và thuốc bôi trị mề đay cấp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Có thể dùng một số loại kem bôi làm dịu da để giảm ngứa, tiêu sẩn đỏ do mề đay cấp tính
Các loại thuốc trị mề đay cấp được sử dụng phổ biến, bao gồm:
Epinephrine: Epinephrine thường được dùng ở dạng tiêm với tác dụng chống phù nề và co thắt đường thở. Đồng thời tăng mức tiêu thụ oxy của tim và tránh hạ huyết áp quá mức. Loại thuốc này thường được sử dụng khi mề đay đi kèm với hiện tượng phù mạch thanh quản dẫn đến hạ huyết áp, khó thở và tím tái.
Kem bôi làm dịu da: Đối với mề đay cấp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi làm dịu da chứa Zinc oxide, Glycerin, Menthol, chiết xuất bột yến mạch,… Các loại thuốc này có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu vùng da kích ứng và giảm ngứa ngáy đáng kể.
Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là nhóm thuốc thông dụng được dùng để điều trị các bệnh có cơ chế dị ứng. Thuốc được sử dụng nhằm ức chế hoạt động phóng thích histamine vào da, niêm mạc, qua đó giảm nhẹ tổn thương da và kiểm soát tình trạng ngứa ngáy do mề đay gây ra.
Corticoid đường uống: Corticoid đường uống rất ít khi được chỉ định trong điều trị mề đay cấp vì đáp ứng kém và nguy cơ cao hơn lợi ích mang lại. Tuy nhiên với những trường hợp mề đay bùng phát mạnh, nổi ồ ạt và không có đáp ứng tốt với thuốc kháng histamine, bác sĩ có thể chỉ định dùng corticoid đường uống trong thời gian ngắn. Vì nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nên bệnh nhân chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đa phần các trường hợp bị mề đay cấp đều có đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định, đồng thời cần tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Không lạm dụng thuốc hoặc tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định.
3. Loại trừ yếu tố kích thích
Loại trừ yếu tố kích thích (xác định hoặc nghi ngờ) là biện pháp quan trọng trong kiểm soát mề đay cấp và mãn tính. Nếu tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố này, mề đay có xu hướng lan rộng, bùng phát mạnh và dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Hơn nữa, mức độ đáp ứng với điều trị cũng có thể giảm đi đáng kể nếu không loại trừ các yếu tố có khả năng bùng phát và khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Để kiểm soát mề đay cấp tính, bệnh nhân cần hạn chế các yếu tố kích thích sau:
Không sử dụng thực phẩm dị ứng hoặc các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như tôm, cua, mực, nghêu, sò, đậu phộng, mè,…
Tránh dùng đồ uống chứa cồn, cà phê và các loại trà chứa caffeine.
Không tiếp xúc với nước quá nóng hoặc quá lạnh.
Tránh tiếp xúc với hóa chất, mủ thực vật, côn trùng, mạt bụi, nấm mốc,…
Ngưng sử dụng thuốc và thay đổi loại thuốc khác nếu mề đay xảy do dị ứng thuốc.
Kiểm tra thành phần trong các sản phẩm chăm sóc da và thay thế bằng các sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên.
Giữ ấm cơ thể nếu mề đay bùng phát do dị ứng thời tiết.
Tránh các hoạt động làm tăng thân nhiệt và gây bài tiết nhiều mồ hôi trong trường hợp mề đay xảy ra do nhiệt.
Nghỉ ngơi, thư giãn và giảm thời gian làm việc để kiểm soát các yếu tố nội sinh như stress, căng thẳng, rối loạn nội tiết tố,…
Phòng ngừa mề đay cấp tính bằng cách nào?
Mề đay cấp tính có thể thuyên giảm hoàn toàn sau 6 tuần. Tuy nhiên, bệnh lý này có khả năng tái phát nếu không chủ động phòng ngừa, đặc biệt là với người có cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch suy yếu và nội tiết tố không ổn định. Mặc dù hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng mề đay tái phát nhiều lần ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, khả năng học tập, lao động,…
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh có thể hạn chế nguy cơ mề đay tái phát
Vì vậy sau khi điều trị, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát như:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế thức uống chứa cồn, caffeine và tránh tuyệt đối các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng.
Khi thời tiết chuyển lạnh, nên giữ ấm cơ thể và hạn chế di chuyển, hoạt động ngoài trời. Ngược lại nếu có tiền sử nổi mề đay do nhiệt, nên giữ mát cơ thể, mặc quần áo thông thoáng và thấm hút khi thời tiết nóng ẩm.
Nâng cao sức đề kháng là một trong những cách phòng ngừa mề đay tái phát hiệu quả. Để cải thiện chức năng miễn dịch, nên ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.
Tránh các yếu tố có khả năng kích thích bệnh bùng phát như mỹ phẩm chứa các thành phần dễ gây dị ứng, nọc độc côn trùng, mủ thực vật, hóa chất, phấn hoa,…
Hạn chế các tác động cơ học như tỳ đè, cọ xát, chà xát,… lên da. Đây là một trong những yếu tố gây mề đay vật lý mà nhiều người không chú ý đến.
Sử dụng kem chống nắng và che chắn da kỹ lưỡng nếu có tiền sử nổi mề đay do ánh nắng mặt trời.
Thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
Chủ động phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp bởi đây có thể nguyên nhân khiến mề đay cấp tái phát.
Mề đay cấp tính là bệnh lý da liễu tương đối phổ biến. Bệnh có thể thuyên giảm nhanh sau khoảng vài giờ đến vài tuần mà không để lại dấu vết hay di chứng. Tuy nhiên để giảm mức độ ảnh hưởng và phòng ngừa bệnh tiến triển mãn tính, bệnh nhân nên chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc và điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Tham khảo thêm:
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.