Xuất huyết dạ dày: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Xuất huyết dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị chảy máu, điển hình bởi triệu chứng nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân đen. Theo số liệu thống kê, chảy máu dạ dày thường xảy ra do lạm dụng thuốc chống viêm và ảnh hưởng của bệnh loét dạ dày - tá tràng.
Xuất huyết dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị chảy máu (xuất huyết)
Xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày) là gì?
Xuất huyết dạ dày (chảy máu dạ dày) là tình trạng mạch máu của dạ dày bị vỡ khiến máy chảy ra khỏi lòng mạch. Tình trạng này có thể xảy ra cấp hoặc mãn tính với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thống kê cho thấy, hang vị là vị trí có nguy cơ xuất huyết cao nhất do đây là vùng niêm mạc nằm ngang và phải chịu áp lực lớn trong quá trình co bóp để tiêu hóa.
Theo thống kê, dạ dày là cơ quan tiêu hóa dễ gặp phải tình trạng xuất huyết hơn so với thực quản và đường ruột. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây chảy máu dạ dày nhưng loét dạ dày – tá tràng và dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) liều cao được xem là nguyên nhân phổ biến nhất.
Xuất huyết dạ dày điển hình bởi triệu chứng nôn ra máu (máu tươi hoặc bã nôn có màu cà phê) và đại tiện ra phân đen. Tình trạng này là một dạng cấp cứu cần được xử trí sớm. Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp tử vong và gặp phải các di chứng nặng nề do chảy máu dạ dày không được kiểm soát kịp thời.
Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chảy máu dạ dày. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Loét dạ dày - tá tràng là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu dạ dày
Loét dạ dày tá tràng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu dạ dày. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng niêm mạc dạ dày và ruột non hình thành ổ loét. Nếu không kiểm soát kịp thời, ổ loét có thể tiến triển nặng gây tổn thương mạch máu, dẫn đến vỡ mạch và xuất huyết. Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết dạ dày ở bệnh nhân loét dạ dày tá tràng thường chỉ bùng phát khi có các yếu tố kích thích dùng thuốc chống viêm, stress, sử dụng rượu bia, xúc động quá mức,…
Dùng thuốc chống viêm: Các loại thuốc chống viêm như corticoid, NSAID đều làm giảm các chất bảo vệ dạ dày (prostaglandin, chất nhầy,…), đồng thời làm tăng các yếu tố gây tổn thương niêm mạc như pepsin, HCl,… Do đó, sử dụng nhóm thuốc này quá liều hoặc dùng trong điều trị dài hạn có thể gây loét niêm mạc và dẫn đến hiện tượng chảy máu dạ dày.
Ung thư/ polyp dạ dày: Ngoài ra, tình trạng xuất huyết dạ dày cũng có thể xảy ra do polyp và khối u ác tính ở dạ dày ma sát với thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, xuất huyết thường tiến triển mãn tính với lượng máu thất thoát không đáng kể nhưng dai dẳng và kéo dài.
Sang thương mạch máu: Bên cạnh các nguyên nhân do dạ dày, tình trạng xuất huyết dạ dày cũng có thể xảy ra do sang thương mạch máu như u máu trong gan (Hemangioma), loạn sản mạch máu,… Nếu bắt nguồn từ nguyên nhân này, mạch máu có thể bị vỡ đột ngột và chảy máu ồ ạt.
Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng xuất huyết dạ dày cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân ít gặp hơn như sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu, bệnh Hemophilia, thiếu vitamin K (vitamin chịu trách nhiệm đông máu), suy gan hoặc do sử dụng thuốc chống đông.
Nguy cơ bị xuất huyết dạ dày cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi sau:
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp)
Tiền sử chảy máu dạ dày
Dùng thuốc chống viêm quá liều
Xúc động quá mức
Lạm dụng rượu bia
Stress kéo dài
Người cao tuổi (trên 65 tuổi)
Hút thuốc lá
Các dấu hiệu nhận biết xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày điển hình bởi triệu chứng nôn ra máu và đại tiện ra phân đen. Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra một số dấu hiệu báo trước. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể đến bệnh viện kịp thời, từ đó giúp quá trình xử trí diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
1. Một số dấu hiệu báo trước
Trước khi xảy ra hiện tượng xuất huyết, bệnh nhân sẽ gặp phải một số triệu chứng báo trước như:
Xuất huyết dạ dày có thể gây ra một số triệu chứng báo trước như đau vùng thượng vị, buồn nôn, mệt mỏi,...
Vùng thượng vị cồn cào, nóng rát – nhất là sau khi dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và corticoid đường uống
Đau thượng vị dữ dội, mức độ đau nghiêm trọng và xảy ra đột ngột
Có thể đi kèm triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi, lợm giọng
Có cảm giác lo lắng bất thường, chóng mặt, nhịp tim nhanh,…
2. Triệu chứng điển hình
Xuất huyết dạ dày là tình trạng có triệu chứng tương đối điển hình. Bệnh nhân có thể nhận biết tình trạng này thông qua một số triệu chứng sau:
Nôn ra máu và đại tiện phân đen là triệu chứng điển hình của xuất huyết dạ dày
Nôn ra máu: Nôn ra máu là triệu chứng điển hình nhất của tình trạng chảy máu dạ dày. Dịch nôn có thể có máu tươi hoặc màu cà phê (do máu ứ đọng trong dạ dày trong thời gian dài), không đi kèm với bọt và thức ăn.
Đại tiện ra phân đen: Máu chảy ra khỏi lòng mạch có thể di chuyển xuống đường ruột và được thải trừ qua phân. Do đó ngoài triệu chứng nôn ra máu, bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng đại tiện ra phân đen. Lúc này, sắc tố trong hồng cầu bị giáng hóa nên sẽ chuyển thành màu nâu đen thay vì là màu đỏ tươi như bình thường.
Các triệu chứng khác: Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng không điển hình như đau vùng thượng vị, đau bụng, khát nước, sôi ruột, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, vã mồ hôi, thở nhanh, tiểu ít hoặc thậm chí là bí tiểu.
Các triệu chứng có thể xảy ra đột ngột hoặc tiến triển chậm tùy theo mức độ xuất huyết. Ở những trường hợp chảy máu nhiều và ồ ạt, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, sốc dẫn đến mạch nhanh, lơ mơ, mất tỉnh táo, chân tay lạnh, vã nhiều mồ hôi,…
Xuất huyết/ chảy máu dạ dày có nguy hiểm không?
Xuất huyết dạ dày là tình trạng thường gặp nhất trong tất cả các trường hợp xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng này có thể kiểm soát nếu phát hiện và xử trí sớm. Đa phần các trường hợp xuất huyết dạ dày đến bệnh viện kịp thời đều được cầm máu sau một thời gian ngắn và hoàn toàn không để lại di chứng nặng nề.
Trong trường hợp chủ quan, bệnh nhân có thể bị mất máu nhiều dẫn đến hạ huyết áp, sốc hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Thời điểm “vàng” để xử trí xuất huyết dạ dày là 24 giờ đầu tiên. Sau thời gian này, thể trạng của bệnh suy sụp rõ và tỷ lệ tử vong tăng lên đáng kể. Vì vậy, bệnh nhân cần chủ động đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường.
Chẩn đoán xuất huyết dạ dày bằng cách nào?
Xuất huyết dạ dày có thể bị nhầm lẫn với xuất huyết thực quản, chảy máu đường mật và một số vấn đề tiêu hóa khác. Do đó trước khi xử trí, bác sĩ sẽ tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán. Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng có thể thực hiện các biện pháp xử trí bước đầu để cầm máu và giảm lượng máu thất thoát.
Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và xử trí xuất huyết dạ dày
Các kỹ thuật chẩn đoán xuất huyết dạ dày:
Khám lâm sàng: Khám lâm sàng là bước đầu trong chẩn đoán xuất huyết dạ dày. Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng bệnh nhân gặp phải, khám bụng (bụng căng cứng) và đặt một số câu hỏi để đánh giá nguy cơ xuất huyết dạ dày ở bệnh nhân (tiền sử loét dạ dày tá tràng, sử dụng thuốc chống viêm, dùng nhiều rượu bia,…).
Nội soi dạ dày thực quản: Nội soi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán vừa là phương tiện để xử trí xuất huyết dạ dày. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí chảy máu và tiến hành cầm máu kịp thời để giảm lượng máu thất thoát.
Đặt sonde dạ dày: Đặt sonde dạ dày được thực hiện nhằm rửa sạch dạ dày để xác định vị trí xuất huyết. Kỹ thuật này được áp dụng khi nội soi không xác định được vị trí chảy máu.
Một số kỹ thuật khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán khác như xét nghiệm máu, chụp X-Quang cản quang, mở bụng thăm dò, xét nghiệm phân,…
Các kỹ thuật chẩn đoán xuất huyết dạ dày không chỉ giúp xác định bệnh lý và cầm máu kịp thời mà còn giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gâychảy máu (ung thư/ polyp dạ dày, loét dạ dày tá tràng,…). Ngoài ra, các kỹ thuật chẩn đoán kể trên còn là cơ sở để đánh giá mức độ xuất huyết và giúp bác sĩ tiên lượng về diễn tiến bệnh ở từng trường hợp.
Xử trí – điều trị xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, mục tiêu chính của điều trị tình trạng này là bảo tồn tính mạng của bệnh nhân bằng cách bồi hoàn máu thể tích máu, cầm máu và hồi sức. Sau khi thể trạng ổn định, bệnh nhân cần điều trị và kiểm soát nguyên nhân gây xuất huyết để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
1. Sơ cứu tại nhà
Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu xuất huyết dạ dày, bệnh nhân cần nhờ sự trợ giúp của người thân. Các bước sơ cứu ban đầu bao gồm:
Cần nằm nghỉ, tránh ngồi, đứng hoặc đi lại vì có thể khiến máu chảy nhiều dẫn đến tụt huyết áp và tăng nguy cơ tử vong. Khi nằm, nên chú ý không kê gối và gác hai chân lên cao để máu lưu thông về não và tim.
Chườm túi đá vào vùng thượng vị để cầm máu hoặc làm chậm tốc độ chảy máu.
Đắp chăn để ủ ấm cơ thể, sau đó cho bệnh nhân uống 100ml nước nguội pha với nước muối loãng để cầm máu (nên uống từ từ từng ngụm một).
Sau khi sơ cứu, gọi xe cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
2. Điều trị y tế
Ngay khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành khám, chẩn đoán nhanh để xử trí kịp thời. Ban đầu, bệnh nhân được truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù nước và cân bằng điện giải. Trong trường hợp mất máu nhiều có thể bồi hoàn máu bằng cách truyền máu.
Bệnh nhân có thể được truyền máu nếu xuất huyết dạ dày xảy ra ồ ạt gây mất máu nhiều
Sau khi thể trạng của bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp cầm máu:
Dùng tia laser, đầu dò nhiệt hoặc đốt điện
Tiêm kẹp mạch máu bị vỡ với vòng cao su
Tiêm chất đông máu vào vị trí xuất huyết để cầm máu
Kết hợp với dùng thuốc ức chế tiết dịch vị để vị trí xuất huyết nhanh đông máu và tránh tình trạng chảy máu tái phát
Nếu các biện pháp trên thất bại, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật mở bụng để xác định vị trí xuất huyết và tiến hành cầm máu. Tuy nhiên, phẫu thuật mở bụng có mức độ xâm lấn cao, thời gian hồi phục lâu và dễ gặp phải biến chứng nên chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết.
Sau khi vị trí xuất huyết được kiểm soát hoàn toàn, bệnh nhân cần tiến hành điều trị nguyên nhân. Điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo nguyên nhân và mức độ đáp ứng của từng trường hợp.
3. Chế độ chăm sóc
Trong thời gian điều trị xuất huyết dạ dày, bệnh nhân cần kết hợp với chế độ chăm sóc hợp lý để đẩy nhanh tiến độ hồi phục. Thực tế cho thấy, bệnh nhân ăn uống và sinh hoạt đúng cách có thời gian cầm máu nhanh và thể trạng được hồi phục chỉ sau một thời gian ngắn.
Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nên dùng món ăn mềm, lỏng, nguội và ít gia vị
Cách chăm sóc cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày:
Bệnh nhân có thể ăn uống trở lại khi có sự cho phép của bác sĩ. Để tránh kích thích vị trí xuất huyết, cần dùng thức ăn nguội, lỏng, ít dầu mỡ và gia vị.
Chia nhỏ bữa ăn để hạn chế áp lực lên các mạch máu bị tổn thương. Ngoài ra, cần chú ý bổ sung nước để bù chất lỏng cho cơ thể.
Nên nằm nghỉ ngơi trong thời gian điều trị, tránh gắng sức và vận động mạnh.
Không hút thuốc, sử dụng rượu bia và đồ uống chứa caffeine. Các thói quen này có thể khiến niêm mạc bị kích thích và chảy máu ồ ạt.
Tránh căng thẳng và xúc động quá mức. Thay vào đó, bệnh nhân nên giữ tâm lý thoải mái để đảm bảo tiến độ hồi phục.
Mặc trang phục rộng rãi để giảm áp lực ổ bụng và tránh kích thích vùng niêm mạc bị xuất huyết.
Phòng ngừa xuất huyết dạ dày
Thực tế, nguy cơ bị chảy máu dạ dày tăng lên nếu có tiền sử gặp phải tình trạng này. Do đó sau khi được cầm máu, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
Hạn chế uống rượu bia là biện pháp phòng ngừa xuất huyết dạ dày hiệu quả
Tiến hành điều trị các nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày như sang thương máu, ung thư dạ dày, polyp dạ dày, nhiễm vi khuẩn Hp, loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison,…
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống viêm nếu chưa tham vấn y khoa. Nếu có ý định sử dụng nhóm thuốc này, nên trao đổi với bác sĩ về tiền sử xuất huyết dạ dày khi dùng thuốc để được cân nhắc về rủi ro và lợi ích.
Không dùng thuốc lá, rượu bia, hạn chế căng thẳng và tránh xúc động quá mức.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây kích thích lên dạ dày như món ăn cay nóng, thức ăn chứa nhiều axit, dầu mỡ,…
Không tự ý dùng thuốc chống đông máu. Ngoài ra, cần chú ý các biểu hiện trong thời gian dùng nhóm thuốc này để kịp thời phát hiện và xử trí các tác dụng không mong muốn.
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin K như rau bina, bông cải xanh, cải bắp, cải xoan, dâu tây, sữa nguyên kem, đậu nành,… để phòng ngừa rối loạn đông máu và xuất huyết dạ dày.
Xuất huyết dạ dày là tình trạng cấp cứu nội – ngoại khoa khá phổ biến. Tình trạng này có thể gây hạ huyết áp và tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, bệnh nhân cần chú ý các biểu hiện của cơ thể và chủ động đến bệnh viện để được thăm khám – điều trị sớm.
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.